Hiểu kỹ càng hơn về cơ thể của bản thân sẽ giúp các bé biết trân trọng và có ý thức bảo vệ cơ thể mình. Dưới đây là 6 tựa sách ehon khoa học cơ thể người cung cấp cho bé những kiến thức khoa học chính xác nhất mà bố mẹ nên tham khảo.
1. Câu chuyện về bàn chân
Bàn chân bé bé, xinh xinh bạn nhỏ nào cũng có. Những ngón chân tròn trịa ngọ nguậy không ngừng trông mới ngộ nghĩnh làm sao. Bàn chân của em bé với bàn chân của người lớn cũng khác nhau lắm nhé. Bàn chân của các loài động vật trông còn kỳ lạ hơn nữa.
Ngoài việc để di chuyển, vận động bàn chân nhỏ xinh còn có rất nhiều công dụng khác, các bé có biết là gì không? Bé hãy đọc ngay cuốn Ehon khoa học cơ thể người “Câu chuyện về bàn chân” . Cuốn sách này sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bé về người bạn “bàn chân” theo cách dễ thương và gần gũi nhất. Chắc chắn các bé sẽ say mê và cuốn theo những câu chuyện khoa học thú vị này.
2. Câu chuyện về lỗ mũi
Lỗ mũi ở ngay đây, bé chỉ cần soi vào gương và ngửa đầu ra sau một chút là đã thấy được lỗ mũi rất rõ ràng. Nhưng lỗ mũi để làm gì nhỉ? Vì sao con người là các loài động vật lại có lỗ mũi? Tại sao lỗ mũi lại có hình dáng như vậy?
Mỗi loài lại có một lỗ mũi khác nhau, có những loài chỉ cần duy nhất một cái lỗ mũi mà thôi, có loài lại có thể đóng mở lỗ mũi thật chặt, thật kỳ diệu phải không.
Qua cuốn ehon “Câu chuyện về lỗ mũi” bé sẽ được học về tầm quan trọng của một bộ phận nhỏ nhưng không thể thiếu trên cơ thể. Bé cũng sẽ biết được khi nào thì lỗ mũi đang không khỏe và làm sao để bảo vệ lỗ mũi nhỏ xinh của mình.
3. Chiếc hộp cứu thương
Ngã, xây xát, bỏng, hay ong đốt…mọi đứa trẻ đều không thể tránh khỏi bị thương trong quá trình lớn lên. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ hãy trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản về sơ cứu vết thương để trẻ không bị hoảng sợ, lo lắng và bỡ ngỡ khi rơi vào trường hợp như vậy.
Cuốn Ehon khoa học cơ thể người “Chiếc hộp cứu thương” được viết bởi tác giả Makoto Yamada – Bác sĩ Nhi khoa, Giám đốc phòng khám trung tâm Hachioji sẽ cung cấp cho cha mẹ và các bé những kiến thức quan trọng và cần thiết về việc sơ cứu vết thương khi bị bỏng; xây xát; vết cắt nhỏ; bị dằm đâm; bị kẹp cửa vào tay; chảy máu cam; nấc; va đập; bị ong đốt; côn trùng bay vào tai, mắt; bị mèo cào, cắn và khi bị tê chân.
Cuốn sách được minh họa bằng những nét vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu của họa sĩ Gen-ichiro Yagyu, và những phần tương tác thú vị giúp bé ghi nhớ kiến thức sâu hơn, chắc chắn những bài học về sơ cứu vết thương sẽ không còn nhàm chán nữa.
4. Bí mật của vảy vết thương
Vảy vết thương vừa sần sùi, vừa xấu xí, lại còn cứng nữa, các bạn nhỏ nhìn thấy sẽ táy máy muốn bóc ra xem. Nhưng không được đâu nhé, vảy vết thương đang bảo vệ một thứ cực kỳ quan trọng bên dưới nó đấy, hơn nữa bóc ra sẽ rất là đau.
Vậy thì vảy vết thương vì đâu mà có? Các bé có thấy rằng miếng vảy có màu đỏ không, đó chính là vì vảy vết thương được hình thành từ máu. Vảy chính là cục máu đông.
Qua cuốn ehon khám phá cơ thể “Bí mật của vảy vết thương”, bé sẽ biết được nhờ đâu mà máu chảy ra có thể khô lại thành vảy, và bên dưới của chiếc vảy có điều gì đang diễn ra. Khi hiểu được tầm quan trọng của vảy vết thương bé sẽ biết cách đối xử đúng đắn hơn với người bạn này.
5. Bí mật của rốn
Rốn xoáy, rốn tròn, rốn hẹp và dài, ai cũng có một chiếc rốn và mỗi chiếc lại có hình dáng khác nhau. Các bé hẳn sẽ thắc mắc rốn có từ đâu.
Có bạn nghĩ rốn là phần thừa trên bụng, có bạn lại cho rằng rốn là đồ trang trí cho bụng, có hai rốn cũng được ấy chứ. Rốn đã có từ lúc các bạn nhỏ ở trong bụng mẹ và là sợi dây liên kết quan trọng giữa hai mẹ con. Các bạn nhỏ có thể lớn lên khỏe mạnh trong 9 tháng 10 ngày đều là nhờ vào bộ phận tuyệt vời này.
Qua cuốn ehon khám phá cơ thể “Bí mật của rốn”, bé sẽ được trang bị thêm kiến thức về một bộ phận nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài ra, bé cũng sẽ học được rằng mình chính là một phần của mẹ và quá trình lớn lên của một em bé trong bụng mẹ sẽ như thế nào.
6. Chuyện của máu
Máu ở khắp nơi trong cơ thể chúng ta. Mạch máu chạy dài từ đỉnh đầu đến tận đầu ngón tay và đầu ngón chân. Máu mang dinh dưỡng đến khắp mọi nơi trên cơ thể.
Hãy sờ vào cổ tay, hay cổ thử xem, bé sẽ cảm nhận được nhịp đập thình thịch, thình thịch. Đó là tiếng máu đang chảy đấy, thật thú vị phải không! Nếu đặt máu dưới kính hiển vi để quan sát thì bé sẽ phát hiện ra trong máu không chỉ có màu đỏ, mà còn có cả màu khác nữa. Mỗi thành phần trong máu lại mang một vai trò khác nhau, giúp cơ thể được bảo vệ và hoạt động năng suất cả ngày.
“Chuyện của máu” sẽ mang đến cho trẻ những giờ tự học thú vị, đồng thời khuyến khích trẻ tìm hiểu nhiều hơn về cơ thể của mình.